Câu chuyện "Người đi tìm nhan sắc của gốm" (Phần 1)

20/08/2020
Bài viết về người sáng lập Đông Gia – Phan Thị Thuỳ Mai và hành trình nhào nặn công ty Gốm Sứ Đông Gia, trích …
Bài viết về người sáng lập Đông Gia – Phan Thị Thuỳ Mai và hành trình nhào nặn công ty Gốm Sứ Đông Gia, trích từ sách “Chân dung khởi nghiệp” của tác giả trẻ Nguyễn Thị Minh Trâm. Mời bạn cùng thưởng thức phần thứ nhất của câu truyện!
 
“Dãy đồ gốm xếp dài trên kệ với những chai lọ, chén dĩa, tráp, đèn. Dáng hình quen thuộc của những món đồ gia dụng trong từng đường nét mộc mạc mà tinh xảo lại gợi đến cái trầm ấm nơi những phòng ăn, bàn trà, gian bếp của những gia đình quý tộc xưa. Không có những thiết kế quái lạ, không nghiêng về một dấu ấn riêng của văn hoá Đông hay Tây; giữa hàng gốm tân thời chỉ thấy cái phong cách riêng biệt mà thống nhất của chính cá thể sáng tạo, cùng cái phong vị thủ công đã vơi đi gần hết giữa kỷ nguyên của hàng hoá công nghiệp. Nhưng, hơi thở của tất cả những tạo hình dung dị, của cả những phá cách tinh tế ở miệng chén, thân chai đều như đang khiêm nhường im lặng. Chỉ có màu men “lên tiếng”. Nước men sáng bóng, trong trưng. Cận cảnh, mỗi một món hàng cùng bộ lại mang một “gương mặt” khác, một lộ trình màu sắc khác. Cũng là xanh lơ, cũng là nâu đất, cũng màu nhạt dần từ miệng chén.., nhưng diễn biến nào đó của lửa, của nhiệt, của những góc sáng – khuất ở từng món đồ trong lò nung hoả biến đã tạo ra những tác phẩm độc nhất. Tôi nâng lên, nhìn gần hơn những nốt li ti trên bề mặt một chiếc ly gốm. Màu men càng sáng, càng trong, những nốt nhỏ khi thưa khi nhặt trên chính bề mặt ấy càng giống một biểu tượng nghệ thuật sinh động. Bởi nó… bất toàn.
 
Như đọc được ý nghĩ của tôi, Thuỳ Mai vẫn lặng lẽ đi giữa những kệ gốm nãy giờ chợt lên tiếng: “Ừ, còn mấy lỗ nhỏ này là do đất thở…”.
 
Yêu
 
“Đất thở” – lời phân trần dễ đã nói ngàn lần trong suốt 10 năm làm gốm thủ công, vẫn cứ hồn nhiên và nhiệt thành như thế mỗi lần Phan Thị Thuỳ Mai nhắc lại với một vị khách mới. Bước vào nghề gốm, mải miết đi tìm đến “trầy vi tróc vẩy” một cách làm men tối ưu, độc quyền, và kiên quyết làm gốm thủ công cho đến khi páht triển được thương hiệu Gốm Đông Gia nổi tiếng thế giới; mọi câu chuyện cơ duyên ở người đàn bà này như đều được kể từ cái hồn nhiên và nhiệt thành ấy.
 
Thuỳ Mai không sinh ra ở làng gốm, cũng không học mỹ thuật. Chị tốt nghiệp Đại học Ngoại thương TP HCM, trở thành một … biên tập viên mảng sách văn hoá ngày ra trường rồi bước thêm một bước vào nghệ thuật từ ngày hợp tác với một cô bạn người Nhật, mở một phòng triển lãm tranh. Thuở hai mươi mấy đầy hăm hở, hồi đó khoảng năm chín mấy, chị vừa làm sách, vừa tổ chức triển lãm tranh, giao lưu với nghệ sĩ. Phòng triển lãm luôn có khách. Thời gian đó, là một kẻ ngoại đạo, Mai dần hoà vào đời sống mỹ thuật Sài Gòn, lặng lẽ đến tham quan mọi cuộc triển lãm tranh trong thành phố. Một lần tình cờ ghé vào một triển lãm tác phẩm gốm Raku ở Bảo tàng Lịch sử TP HCM, chị bị “níu” lại bởi những dòng chữ nhỏ do chính hoạ sĩ đính bên dưới tác phẩm, ghi lời chú ngắn cho từng tượng gốm. Tranh ký tên một hoạ sĩ người Pháp lời chú viết bằng bằng tiếng Pháp. Lần đầu thấy cách làm ấy, lại mới học tiếng Pháp, chị Mai đứng lại dịch từng câu. Những chia sẻ ngắn viết bằng thứ ngôn ngữ xa lạ ấy khiến chị giật mình, cảm giác thân thuộc. Nhìn tên hoạ sĩ – Francois Jarlov, biết đó là người mình chưa từng gặp, chị vội lấy tấm danh thiếp “làm tin”. Vài ngày sau, chị gọi điện, bắt chuyện bằng việc… mời anh triển lãm tranh tại phòng triển lãm của mình.
 
Trong cuộc “trò chuyện mỹ thuật” đầu tiên ấy, Francois vừa quay về Pháp. Khi ấy, với tư cách một hoạ sĩ, nghệ nhân gốm; anh đang tham gia chương trình trao đổi văn hoá do Đại sứ quán Pháp tổ chức, dạy kỹ thuật làm gốm Raku Nhật Bản cho Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Hà Nội. Ngày Francois quay lại Việt Nam, phòng tranh của Mai đã đóng cửa do biến động trong cộng đồng hoạ sĩ – khách hàng hàng người Mỹ sau sự kiện 11/9. Dự định hợp tác làm triển lãm bất thành, biết Mai có làm sách, anh chia sẻ rồi mời chị hợp tác thực hiện một cuốn sách về gốm Việt Nam. Tâm huyết với văn hoá ở Jarlov hấp dẫn Mai, chị nhận lời.
 
 
Rồi, bằng cách bước vào thế giới đầy nghiêm cẩn và thăng hoa của người nghệ sĩ Tây phương, chị lần đầu “dạm ngõ” thê giới của gốm. Là một nghệ nhân nổi tiếng về gốm nghệ thuật tại Pháp, ở đỉnh cao của kỹ thuật làm gốm, Francois lại bày ra thế giới thi vị ấy bằng chính cái tài hoa, sáng tạo của một hoạ sĩ. Anh tự tay viết nội dung, làm hình ảnh cho cuốn sách. Như bị hút vào thế giới ấy, khi cùng anh tỉ mẩn biên tập từng trang sách, Thuỳ Mai dần trở thành “tri âm”.
 
Hai năm sau ngày bắt đầu bầu bạn, trong một chuyến du lịch bụi ở khắp các cung đường dọc sông Mê Kông, nắm tay đỡ Thuỳ Mai leo lên đỉnh ngôi đền Phom Bahkeng xem mặt trời lặn, Jarlov nhìn vào mắt cô bạn người Việt, tậm sự: “Đây là lần đầu tiên nắm tay Mai, nhưng tôi không muốn buông ra nữa.”
 
Mai yêu. Ngày cưới Jarlov, chị quyết định bỏ lại hết mọi công việc đang dang dở ở Việt Nam, theo chồng sang Pháp ở miền quê yên tĩnh nơi anh theo nghề đã hơn 30 năm, giúp chồng việc nhà, việc ở xưởng. Anh dạy cho vợ những kiến thức căn bản, những khó khăn của nghề. Chị lần đầu biết đến cảm giác tuyệt vời khi mở những lò nung, nhìn màu men mới như một bức tranh tạo nên từ sự hoà trộn giữa khoáng chất tồn tại trong vũ trụ.
 
Tham gia cùng với anh cho mọi cuộc triển lãm, du lịch qua các vùng miền nước Pháp, gặp gỡ nhiều nghệ nhân khác giúp cho chị mở rộng ầm nhìn về đất nước của sáng tạo.
 
Chồng sáng tác, tìm những màu men mới, vợ ngắm nhìn, trò chuyện với thợ và phụ vài công đoạn kỹ thuật. Cuối tuần, chị theo anh đi dự triển lãm ở khắp mọi miền nước Pháp. Những tuần không có triển lãm, Jarlov lại đưa vợ đi thăm những làng quê đẹp như tranh, hoặc lê la khắp Paris ăn kem, uống cà phê, thưởng thức bánh nọt, và… nghe cải lương suốt dọc đường đi.
 
Từ một người phụ nữ bận bịu với nhiều đầu việc, Thuỳ Mai trở thành một người vợ quanh năm quấn quít bên chồng, say sưa nói cùng một câu chuyện với anh – về gốm. Ở những triển lãm nghệ thuật gốm, Jarlov tham dự và phê bình như một chuyên gia, thì Thuỳ Mai tiếp chuyện chồng như một người thưởng thức đầy am hiểu. Hoà mình vào đời sống của gốm ở xứ người, trong một cơn trầm trồ về những sáng tạo đáng kinh ngạc trên thứ chất liệu lâu đời ấy, Thuỳ Mai chợt giật mình, quay sang hỏi chồng: “Tại sao gốm Việt không phát triển?”. Hiểu rất rõ về lịch sử làm gốm của Việt Nam, nhưng Jarlov hiểu, câu trả lời Thuỳ Mai cần không chỉ có kiến thức. Bởi, đó không chỉ là câu hỏi. Đó là một “lời mời dấn thân”.”
 
(còn nữa)
Bài viết liên quan
» Đồ gốm (20.08.2020)

GIỎ HÀNG

Không có sản phẩm trong giỏ hàng

TỔNG CỘNG:

0 đ
logo
Zalo