Câu chuyện Gốm Việt

03/09/2020
Tôi lớn lên trong hai mươi năm cuối cùng của chiến tranh. Hàng gốm không hợp với chiến tranh, bởi vì tất cả những thứ dễ vỡ đều không hợp với bom đạn. Ông ngoại tôi có một bộ sưu tập gốm, nhưng với chúng tôi chúng gần như vô hình. Dì tôi mua những cái thúng đan bằng tre lớn, đổ trấu vào, giấu những món gốm yêu quí của ông tôi vào đó đem cất dưới hầm nhà hoặc gởi ở nhà người quen. Có một ngày tết tương đối an bình nào đó tôi đã nhìn thấy chè sen dì tôi nấu cúng, nước chè trong được múc vào một trong những cái chén gốm trắng vẽ hoa đào xanh, nhưng chỉ thoáng thấy thôi chứ không được cầm lấy trên tay. Và qua 3 ngày tết là chén đã trở về chỗ của chúng trong những cái thúng trấu được gởi đi mọi nơi.
 

 
Nhiều năm sau, tôi có dịp ngồi vào bàn ăn của một người Nhật. Sự quí tộc được nhìn thấy trong cách họ bày bàn ăn. Họ không dùng gốm sứ nguyên bộ như người phương Tây. Họ có một số ít từ cha mẹ, họ mua thêm mỗi lần đến một vùng nào đó làm gốm đẹp, họ được tặng... Có khách đến ăn cơm, họ sắp xếp đồ gốm cùng thức ăn trên bàn đẹp như một bức tranh, trong khi mỗi món gốm tự nó là một tác phẩm trọn vẹn; và cái chén đẹp nhất sẽ được dành cho người khách quí nhất, kèm với một câu chuyện nhỏ họ đã mua nó ở đâu, nó đã đi theo họ qua bao nhiêu năm rồi. Họ hỏi tôi về gốm Việt. Năm đó tôi chưa bao giờ thấy gốm thuần Việt thật đẹp. Chúng được làm ở những lò nằm ở vùng đất phía bên trên đất nước bị chia cắt của tôi, nên không biết trả lời sao. Chiến tranh qua đã lâu, người ta vẫn còn sẽ có nhiều lần thấy buồn vì nó. Sự gián đoạn của truyền thống là một.
 
Văn minh Việt Nam phát triển sớm. Các mảnh gốm cổ ở lưu vực sông hồng khoảng 2 ngàn năm trước Công nguyên cho thấy gốm đã được vuốt trên bàn xoay, đất sét mịn, khắc hoa văn tinh tế. Đời Lý, Trần, từ thế kỷ 14 có gốm phủ men trắng, men ngọc, nét khắc duyên dáng, với một quan niệm mỹ thuật tự tin và độc lập. Cuối đời Trần, và bước qua đời Tiền Lê cho đến đời Mạc, từ thế kỷ thứ 15, chúng ta có gốm vẽ lam. Mực được vẽ bằng cọ lông, nét cọ có độ dày mỏng, khi nung mực loang nhẹ, thấm vào men tạo sự mờ ảo, uyển chuyển trong sắc độ, nên gốm đã trở thành cái nền quan trọng để vẽ tranh trong khi nghệ thuật Việt nam chỉ chú trọng tới tượng chứ ít khi tới tranh. Men vẽ mực nhiều màu, tam thái, ngũ thái, đã được dùng trong giai đoạn này. Qua đến thời Hậu Lê - Trịnh, thế kỷ 16 - 18, chúng ta bắt đầu có men rạn, hơi dày và mịn màng như đá trắng, là một trong những thứ men đẹp nhất. Thời này giao thương nhiều, gốm Việt được bán sang Nam Dương, Thái Lan, Ấn Độ, Nhật. Các thương gia Hà Lan còn mang gốm Việt sang Trung đông và Âu châu. Thổ Hà, Bát Tràng, Phù Lãng... đã trở thành các làng gốm thịnh vượng.
 
 
Triều Nguyễn lập kinh đô ở Huế. Tuy ở Bát Tràng người ta vẫn còn làm gốm, vua chúa ra lệnh hoàng thành chỉ được dùng gốm sứ men lam được đặt làm từ những lò gốm bên Tàu. Nhiều người lầm tưởng men lam Huế làm ở Huế, thật ra nó chỉ có nghĩa là gốm hoàng gia, làm ở Tàu. Chiến tranh loạn lạc và sự thiếu trân trọng từ giới quí tộc là 2 yếu tố làm cho một trong những truyền thống gốm đẹp và quí nhất Á châu đi dần vào thất sủng, và tàn lụi. Từ đó và những năm về sau, hầu hết các làng gốm đóng cửa, thất truyền hoặc chỉ còn làm gốm gia dụng, bình dân.
 

 

 

Đầu những năm 90 thế kỷ trước, Việt Nam mở cửa. Nhiều người Nhật sang Việt Nam làm ăn, biết giá trị của gốm cổ Việt, họ bỏ ra nhiều tiền và công sức để sưu tầm. Trước đó, một cái chén ăn cơm bằng sứ nhà Thanh hay men lam Huế đối với thế giới khá tầm thường có thể bán được mươi, hai mươi lần tiền người ta sẵn sàng bỏ ra để mua một cái chén Chu Đậu cổ tuyệt đẹp và hiếm. Người Nhật, có lẽ dân tộc yêu gốm nhất thế giới, đã giúp người Việt nhìn lại di sản của mình và giá trị mình có. Có khách sạn nước ngoài muốn gầy dựng một không gian văn hoá Việt đã đi tìm, đặt làm gốm Việt cho nhà hàng Việt của họ. Một số thợ cả và gia đình họ ở Bát Tràng đã giữ được những bài men cũ, hoặc nghiên cứu một bài men từ những mẫu gốm sưu tầm được, và như vậy, một nền gốm Việt đã được phục hưng ở Bát Tràng, Hà Nội. Hầu như ai cũng ngạc nhiên về sự yêu quí của người mua, đơn giản vì gốm Việt rất đẹp. Bát Tràng nhanh chóng trở nên nổi tiếng và phồn thịnh.
 
Điều đáng lo lắng là các dòng gốm truyền thống và có tính nghệ thuật cao chỉ bán được cho người nước ngoài, hầu hết là người Nhật. Người Việt trung và thượng lưu, vẫn yêu chuộng gốm sứ Tây phương, Trung quốc hơn, dù đó chỉ là hàng công nghiệp. Sự tồn vong của cả một truyền thống lớn, đặt hết vào tay những nhà nhập khẩu nước ngoài luôn luôn là một điều đáng lo lắng. Thứ nhất vì sở thích của khách hàng thay đổi, người đi mua hàng cung ứng cho thị trường của họ sẽ phải đi tìm những thứ mới lạ khác và bỏ rơi chúng ta. Thứ hai vì chúng ta sản xuất theo đơn đặt hàng, theo tiêu chuẩn được họ định thì làng nghề sẽ trở nên một dạng làm gia công. Chúng ta không cần đầu tư cho thiết kế, đó là một sự tiện lợi quái ác. Gốm truyền thống được quí trọng, và đồng thời cũng bị bó chặt tay chân trong từ ngữ “gốm giả cổ”. Không truyền thống nào tồn tại được nếu không được phát triển, được đầu tư cho sáng tạo, để công việc là cảm hứng, để sản phẩm cùng lớn lên với các quan niệm thẩm mỹ ngày hôm nay, chứ không mãi mãi là một bản giả của một quá khứ dù quá khứ ấy có cao quí đến mấy.
 
Tôi không muốn nói rằng gốm truyền thống ở Bát Tràng gặp muôn vàn khó khăn vì bị người Nhật bỏ rơi, mà tôi muốn nói vì bị người Việt bỏ rơi, ngay từ những ngày đầu phục hưng. Sự thiếu trân trọng đã đẩy làng nghề vào chỗ đi tìm đơn hàng xuất khẩu hoặc thị trường gia dụng bình dân trong nước.
 

 

 

 

"Tất cả những men đẹp đều là những men xưa. Những bài men ấy khó. Người xưa đã phải chịu di qua những thử nghiệm và số phế phẩm rất lớn. Ngành gốm vẫn là một trong những ngành đẹp nhất của Việt Nam. Những món đồ gốm thời Lý ở Việt Nam là những món đồ đẹp nhất mà tôi đã được thấy. Những món đồ ấy đẹp khi đứng riêng lẻ. Mỗi món tự nó toàn vẹn. Nhìn chúng tôi thấy như cái thế giới chuyển động này bỗng dừng lại. Tôi nghĩ mãi tại sao chúng lại đẹp hơn đồ thời nay dường ấy. Cuối cùng tôi cho rằng ấy là do nhu cầu và đòi hỏi của người dùng. Thời ấy mỗi món gốm là một món đồ quí giá. Người ta sử dụng chúng một cách trân trọng. Người ta đặt mỗi món gốm ở một chỗ trang trọng trong nhà. Đời sống hôm nay đa dạng và nhanh. Con người khó có đủ tĩnh lặng để có được sự trìu mến, có một mối quan hệ với những món đồ quanh họ. Nhưng tôi thấy người ta đang dành cho bản thân và không gian, căn nhà của họ nhiều thời gian hơn vài năm gần đây. Tôi rất hy vọng vào bộ sưu tập vào cuối năm nay của tôi. Tôi hy vọng những món đồ ấy sẽ được giữ lâu dài trong nhà và mang lại cái đẹp vừa quí báu vừa thân thiện.”
 
- Đoàn Thành Nghĩa
 
Từ ngày nhìn thấy cái bàn ăn của gia đình người Nhật quí tộc kia, từ ngày ngậm ngùi nhận ra di sản mà chúng tôi không biết là chúng tôi có, vì bị chiến tranh làm cho gián đoạn, tôi vẫn tự hỏi chúng tôi sẽ như thế nào, thế giới của chúng tôi ra sao nếu không có sự gián đoạn ấy?
 
Nề nếp và văn hoá sống của một gia đình được nhìn trên bàn ăn nhiều hơn bất cứ nơi nào khác. Nhưng bàn ăn của người Việt hôm nay, trong khi các món ăn có thể là Việt thuần tuý, chúng ta lại hầu như không có đủ các món gốm để bày, cùng với thức ăn, tạo được hình ảnh một bản sắc riêng của gia đình, của thành phố, của đất nước mình.
 
Gốm Việt không có nghĩa phải là gốm Việt cổ. Tại xưởng gốm Cẩm Hà, chúng tôi làm gốm với công thức xương, men và mực vẽ xưa, những kỹ thuật và chất liệu cho tới ngày nay vẫn chưa đâu vượt qua được. Dáng và hoạ tiết chúng tôi dựa trên nét cổ, vẽ lại mới, hoa được vẽ tay bằng cọ, từng nét một. Chúng mong giữ lại được tinh thần và nét duyên Việt xưa, trước khi bị ảnh hưởng Khổng tràn vào, vừa chừa chỗ cho nhiều sáng tạo. Cảm hứng và vị thầy lớn của chúng tôi vẫn là thiên nhiên. Đường cong của thân một bông hoa dại chính là sự yếu đuối của nó cộng thêm một chút gió thổi qua cánh đồng: đem sự mềm mại vô thường đó vào một chất liệu cứng và bền vững như gốm hẳn là một thách thức mà khi vượt qua được chúng tôi tin sẽ đủ tự tin để đặt một cái bát của chúng tôi bên cạnh những tác phẩm gốm lớn của thế giới mà không lo ngại. Đường ranh giới phân chia một món hàng thủ công và một tác phẩm nghệ thuật cũng bị xoá mờ đi: gốm của chúng tôi phải đủ đẹp để nhắc nhở rằng thủ công là cái nôi của nghệ thuật, chứ không phải là đứa em khiếm khuyết của nó.
 
Một cái chén gốm nếu không làm vỡ sẽ còn mãi với thời gian. Nó sẽ còn ở đây rất nhiều năm sau khi tất cả những người làm ra nó đã qua đời rồi. Nó lớn hơn chúng tôi, chúng tôi hiểu rằng điều ít nhất chúng tôi phải làm là giữ lấy lời hứa làm cho nó đủ đẹp để vượt thời gian chinh phục được người sở hữu nó, hôm nay hay bất kỳ vào thời nào. Chúng tôi cho nó bao nhiêu tình yêu khi làm ra thì nó cũng sẽ nhận được bấy nhiêu tình yêu từ người dùng và người sưu tập nó.

 

 

Bài viết liên quan
» Đồ gốm (20.08.2020)

GIỎ HÀNG

Không có sản phẩm trong giỏ hàng

TỔNG CỘNG:

0 đ
logo
Zalo